Thành phố Đồng Hới, trung tâm kinh tế – văn hóa – chính trị – xã hội của tỉnh Quảng Bình. Nếu như trước đây, thành phố Đồng Hới chỉ là điểm dừng chân của du khách. Tuy nhiên hiện nay là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến du lịch Quảng Bình.
Cùng chúng tôi điểm qua một số điểm thăm quan du lịch nổi tiếng của Thành phố Đồng Hới.
Trước hết không thể bỏ qua vị trí thành phố Đồng Hới năm bên sông Nhật Lệ thơ mộng, uốn lượn quanh co.
Mỗi sáng thức dậy, du khách có thể tản bộ theo con đường dọc bờ sông Nhật Lệ, nhìn những chiếc thuyền neo đậu bên bờ sông.
Đi xa một chút là cửa biển Nhật Lệ. Khung cảnh yên bình và thơ mộng, bạn có thể nghe tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng. Chắc chắn bạn sẽ không muốn về
Tiếp đến bên con đường yên bình ấy là di tích nhà thờ Tam Tòa, nay chỉ còn lại tháp chuông, trên đỉnh tháp là những nhánh cây khô và bầy chim sẻ bay lượn.
Nhà thờ Tam Tòa được xây dựng vào năm 1886, tài liệu ghi lại rằng, nhà thơ Hàn Mặc Tử từng được rửa tội tại đây vào năm 1912. Trong chiến tranh từ năm 1964 đến 1972, nhà thờ bị đánh sập, chỉ còn lại tháp chuông, thị xã Đồng Hới khi đó cũng bị san phẳng.
Đi về phía ngược lại, cũng theo đường bờ kè, khách sẽ đến chợ Đồng Hới bên bờ sông. Sát bên chợ là bến cá với ghe thuyền tấp nập.
Hải sản từ đây đưa lên bờ cung cấp cho thành phố. Đây cũng là nơi có di tích bến đò và tượng đài mẹ Suốt nổi tiếng.
Cạnh dòng Nhật Lệ xinh tươi hiền hoà, ngay giữa trung tâm của bến đò mẹ chèo ngày xưa, Tượng đài Mẹ Suốt được xây dựng uy nghi hoành tráng để tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân của nhân dân Quảng Bình đối với Mẹ, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho mỗi người dân Quảng Bình mà đặc biệt là thế hệ trẻ Đồng Hới hôm nay.
Tiếp tục hành trình khám phá một phía khác của Đồng Hới. Đầu tiên là Quảng Bình Quan – một biểu tượng đặc trưng của thành phố.
Xưa kia đây là một chốt trên đường kinh lý Bắc – Nam, một trong ba cửa ải của hệ thống lũy thầy do Đào Duy Từ hiến kế và chỉ huy xây đắp vào năm 1631. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) công trình này được xây lại bằng gạch đá, năm 1961 được tu sửa lại.
Ngoài ra còn một cổng thành nữa mà người dân địa phương gọi là “Quảng Bình Quan nhỏ” cũng nằm trong thành phố.
Chùa Đại Giác nằm ở phường Đức Ninh Đông, Đồng Hới là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái.
Trong chùa có tượng phật A Di Đà bằng đá cẩm thạch nguyên khối; cao 9m; nặng 40 tấn – đây là một trong những tượng phật A Di Đà bằng đá cẩm thạch lớn nhất trong cả nước.
Đi qua cầu Nhật Lệ lộng gió du khách sẽ tới Bán Đảo Bảo Ninh. Biển Bảo Ninh với bờ biển nguyên sơ mịn màng trải dài như vô tận, nơi tuyệt vời để trở thành bãi tắm với tiêu chuẩn quốc tế.
Bán đảo Bảo Ninh còn có di tích thành luỹ cổ và Đền thờ Cá Ông đậm nét văn hóa ngư dân. Ngoài cơ hội thưởng thức biển xanh, cát trắng, hải sản tươi ngon và những đặc sản của Quảng Bình.
Một nơi nữa trong thành phố khách khó có thể bỏ qua là Bàu Tró. Bàu Tró nổi rõ một màu xanh giữa lòng thành phố và rất gần với biển. Đây là hồ nước tự nhiên, cung cấp nước ngọt cho thành phố Đồng Hới và vùng lân cận với trữ lượng nước gần chục triệu mét khối.
Nguồn nước này được khép kín giữa lòng động cát vàng, chỉ cách biển Đồng Hới và vùng cửa sông khoảng một cây số. Người địa phương cho rằng thiên nhiên đã ưu ái chắt lọc và ban tặng cho họ một nguồn nước quý giá mà không nơi nào có được.
Tham quan cồn Cát Quang Phú cách bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình) 8 km. Cồn cát rộng vài km2, là một danh thắng cuốn hút đông đảo khách du lịch khi đến nghỉ tại bãi biển Nhật Lệ.
Đến đây bạn sẽ có những cảm giác như mình đang lạc vào sa mạc với những cồn cát trắng xóa, mịn màng trải dài miên man như câu nói quen thuộc “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”. Những đồi cát mênh mông thiên nhiên tạo ra như thách thức bước chân ham muốn lang thang khám phá. Nằm ngay bên cạnh cồn cát đó là biển Quang Phú hoang sơ với hàng phi lao xanh ngát.